Xuân Quý Tỵ 2013

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Con gái hôn tạm biệt cha đi bộ đội

Sáng nay, 80 tân binh quận Ba Đình (Hà Nội) tạm biệt bạn bè, người thân lên đường nhập ngũ. Cái bắt tay bạn gái, ôm chia tay vợ, hôn tạm biệt con... khiến nhiều người xúc động.
> Nhiều bạn trẻ thủ đô viết đơn xin nhập ngũ

* Clip: Bộ trưởng Quốc phòng tiễn tân binh nhập ngũ
Sáng 25/2, cùng với cả nước, 16 quận huyện của Hà Nội tổ chức giao nhận quân. Tại sân vận động Quần Ngựa, hàng trăm người có mặt tiễn 80 tân binh quận Ba Đình nhập ngũ. Trong số này có 30 người về Sư đoàn 390 (quân đoàn 1, đóng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa)...
... và 50 người về Sư đoàn Không quân 371 (Sóc Sơn, Hà Nội).
Thanh niên Thủ đô đã sẵn sàng nhập ngũ làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều phụ huynh quá lo lắng, còn chuẩn bị cho con nhiều quần áo mang theo mặc dù hành trang của người lính chỉ là quân nhu được phát.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dặn dò tân binh trước giờ lên đường.
Trong số các thanh niên nhập ngũ lần này, có 12 người viết đơn tình nguyện.
Dù đỗ trường cao đẳng nhưng Nguyễn Đức (phường Liễu Giai) vẫn xin phép gia đình được tòng quân. Tháng 9/2012, cụ Hoàng Văn Xuyên (82 tuổi, ông ngoại Đức) đã lên phường đăng ký cho cháu đi bộ đội.
Giây phút tạm biệt gia đình lên đường, không ít các chiến sĩ bịn rịn chia tay vợ và người yêu.
Nhiều thanh niên không kìm nổi nước mắt trước tình cảm của người thân.
Con gái của một chiến sĩ hôn tạm biệt bố trước giờ xe lăn bánh.
Một chiến sĩ nhoài người ra cửa kính cúi xuống hôn tạm biệt mẹ.
Nụ cười tân binh và người thân ngày lên đường làm nhiệm vụ.
Anh Tuấn (Báo VNEXPRESS.NET)

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Ông nghị chuyên "tay bo" với bộ trưởng

Chất “Quảng Nôm” bộc trực không lẫn vào đâu trong cách chọn vấn đề, hỏi xoáy nếu có bộ trưởng nào trót nói quanh. Muốn tìm ĐBQH Ngô Văn Minh trong giờ giải lao ở nghị trường hẳn phải quan sát ở các nhóm đại biểu đang bị cánh phóng viên “quây” kín.

'Châm ngòi' tranh luận
Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 13/11/2012 căng như dây đàn bởi màn đối thoại vô tiền khoáng hậu về an toàn đập thủy điện Sông Tranh giữa Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và ĐBQH Ngô Văn Minh. Ông Minh thậm chí còn nói thẳng “khi nghe Bộ trưởng nói yên tâm thì dân hoàn toàn không yên tâm. Chính câu trả lời của Bộ trưởng đã cho thấy sự không yên tâm”.
Vị ĐBQH Quảng Nam vốn đã theo đuổi ráo riết vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh ngay từ khi sự cố xảy ra và tận cho đến lúc kết thúc kỳ họp thứ 4 QH khóa 13.
Trước đó, chính ông Minh là người “châm ngòi” cuộc tranh luận nóng bỏng tại phiên điều trần của Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường QH với các cơ quan chức năng. Ông đã không ngại nói thẳng “nếu các lãnh đạo khẳng định an toàn thì xin mời về ở xem có thấy an toàn không?”. Thời điểm đó, tin về những trận động đất cường độ ngày một tăng được truyền thông đăng tải mỗi ngày.
Và cũng chính ông, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng đã quyết liệt nêu ba câu hỏi “đánh” trúng trọng tâm vấn đề, rồi không ngần ngại tranh luận “tay bo” với Bộ trưởng cũng như Chủ tịch Quốc hội để truy cho đến cùng câu trả lời. Hiếm khi nào giữa phiên truyền hình trực tiếp trên nghị trường mà ĐB lại quyết liệt với trưởng ngành như vậy.
Hoạt động trong QH từ khóa 12, song phải đến nhiệm kỳ lần này, cái tên Ngô Văn Minh mới thực sự làm nóng nghị trường bởi những truy vấn đến cùng mỗi phiên chất vấn và bởi những chia sẻ, bình luận ngoài lề quanh các vấn đề dân sinh bức xúc.
Chính vị đại biểu Quảng Nam là tác giả của phát ngôn đanh thép "phê" chuyện phạt xe chính chủ là "một chủ trương thiếu thực tiễn của những người ngồi trên trời làm chính sách. Những chính sách không khả thi, không phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân". Ông Minh cũng nhiều lần nêu ý kiến về các vấn đề nóng như lãi suất ngân hàng, bổ nhiệm Dương Chí Dũng, hoặc đề xuất phải xử tội tham nhũng như tội phản quốc…
Chất “Quảng Nôm” bộc trực, thẳng thắn không lẫn vào đâu trong từng cách chọn vấn đề, cách tranh luận, thậm chí là hỏi vặn, hỏi xoáy nếu có vị bộ trưởng nào trót nói quanh, nói vòng.
Không 'cài cắm' lợi ích cá nhân
Muốn tìm ông Ngô Văn Minh trong giờ giải lao họp QH hẳn phải quan sát ở các nhóm đại biểu đang bị cánh phóng viên “quây” kín. Không trả lời tất cả các chủ đề nhưng gặp đúng vấn đề nóng, nhất là những chuyện bất cập thì bao giờ vị ĐBQH Quảng Nam cũng có những lời bình luận sắc cạnh, vạch mặt chỉ tên đúng bản chất sự việc chứ không bao giờ là kiểu nước đôi để ai muốn hiểu thế nào cũng được mà không làm ai phật lòng.
Giải thích cho những phát biểu nghe cứ “tưng tửng” mà rất thấm thía, ông Minh nói “đó đều là những vấn đề lớn của dân, của nước, được đông đảo cử tri quan tâm”.
Ông tâm niệm, hễ phát biểu ở QH là phải khách quan, không cài cắm lợi ích cá nhân vào.
“Nếu có đưa lợi ích cá nhân thì cũng ở giới hạn hợp lý và với mức độ có thể chấp nhận được. Chẳng hạn tôi theo đuổi vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 bởi đó là mối quan tâm của cá nhân tôi, nhưng lại xuất phát từ ý thức trách nhiệm của tôi với cử tri Quảng Nam chứ không phải vì lợi ích riêng”, ông Minh giải thích.

Theo ông, cử tri rất “tinh”. Nên hễ ai cứ chăm chăm cài cắm lợi ích cá nhân của riêng mình vào mỗi ý kiến ở nghị trường thì dân sẽ nhận ra ngay.
Khi được hỏi "truy" các bộ trưởng đến tận cùng như vậy có phải vì yêu, ghét, ông Minh cho hay "yêu, ghét là chuyện không tránh khỏi". “Nhưng không phải yêu ghét theo kiểu tình cảm cá nhân. Mà là yêu ghét dựa trên cung cách, thái độ làm việc của từng người. Những vị bộ trưởng phát biểu có trách nhiệm cao, đàng hoàng thì mình nghe và quý trọng họ ngay chứ”, ông Minh lý giải.
Nên trong hội trường, không phải phiên họp nào ông cũng phát biểu. Nhưng hễ đã đến những phiên quan trọng, chất vấn hoặc chủ đề nóng là bảng điện tử sẽ hiển thị cái tên Ngô Văn Minh. Có lẽ, cử tri đã bắt đầu có thói quen chờ đợi mỗi lần thấy cái tên quen thuộc này, như đã từng đón đợi các phát ngôn ấn tượng của những ĐBQH có tiếng khác.
ĐBQH Ngô Văn Minh sinh năm 1959, là ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Theo Lê Nhung (Vietnamnet)

Vụ nổ sao băng ở Nga: 7 câu hỏi lớn

Sáng ngày 15/2, người dân ở vùng Chelyabinsk của Nga đã vô cùng hoảng loạn khi một quả cầu lửa khổng lồ lao ngang qua bầu trời. Vụ nổ, do một sao băng nhỏ gây ra khi tiến vào bầu khí quyển, đã khiến 1200 người bị thương do cửa sổ kính bị thổi bay.
 >> Thiên thể lớn kỷ lục đã bay sượt trái đất
 >> Vụ nổ thiên thạch tại Nga tương đương 20 quả bom nguyên tử
 >> Số người bị thương do “mưa thiên thạch” lên hơn 1.000


Vụ nổ sao băng ở Nga: 7 câu hỏi lớn
Hố lớn trên hồ băng Chebarkul được cho là do thiên thạch trong vụ mưa sao băng ở Nga gây ra.
Hàng chục video về đường đi của sao băng và hậu quả nó gây ra nhanh chóng xuất hiện trên mạng, cùng với đó là phân tích của các nhân chứng cũng như các thông số đo đạc từ các thiết bị khoa học được các nhà khoa học đưa ra đã được tìm hiểu nhiều nhất từ trước tới nay đối với một vụ rơi thiên thạch.

Dưới đây là một số câu hỏi chính liên quan đến sự kiện này.

1.Sao băng lớn tới đâu?

Các tính toán mới chỉ là sơ khởi, song NASA nhận thấy đây là sao băng lớn nhất từ trước tới nay, kể từ sự kiện sao băng Tunguska vào năm 1908, đã san phẳng hàng trăm héc ta vùng rừng xa xôi ở Siberia.

Cũng theo NASA, sao băng rộng 15m trước khi nó tiến vào bầu khí quyển trái đất, như vậy là nhỏ hơn nhiều so với Tunguska với đường kính khoảng 40m. Nó cũng chỉ bằng 1/3 kích thước của 2012 DA14, một tiểu hành tinh bay sượt qua trái đất vào chiều cùng ngày, thứ sáu 15/2. 2012 DA14 có kích thước tương đương với Tunguska.

Tuy nhiên, sao băng ở Nga lớn hơn sao băng đã “tấn công” Indonesia vào ngày 8/10/2009.

2. Nó có liên quan gì đến 2012 DA14?

Hiện tượng mưa sao băng ở Nga xuất hiện đúng vào ngày 2012 DA14 bay sượt qua trái đất. Nhưng đây chỉ là sự trùng hợp kỳ lạ của vũ trụ. Các video về thiên thạch ở Nga cho thấy nó đi từ bắc sang nam, trong khi DA14 đi theo hướng ngược lại từ nam tới bắc. Điều này chứng tỏ hai thiên thể này hoàn toàn không liên quan đến nhau mà chỉ nhắc chúng ta nhớ rằng trái đất của chúng ta đang bị “bủa vây” bởi một hệ thống đầy rẫy những “mảnh đạn” bay.

3. Sự kiện này có diễn ra thường xuyên?

Những vụ nổ sao băng lớn không diễn ra hàng ngày, đặc biệt là trên những vùng đông dân cư, nhưng không phải là không xảy ra. Theo nhà vật lý Mark Boslough tại Các phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, New Mexcio, Mỹ, các sao băng có cùng kích thước tiến vào bầu khí quyển vài năm một lần hoặc một thập niên một lần.

4. Tại sao sao băng phát nổ?

Sao băng chỉ là một chòm đá, vì vậy điều gì làm nó phát nổ? Đơn giản là tốc độ.

Năng lượng động lực, tức năng lượng của một sao băng đang rơi rất lớn. Theo Bill Cooke, người đứng đầu Văn phòng môi trường sao băng của NASA, cho hay sao băng ở Nga tiến vào bầu khí quyển với tốc độ 64.374 km/h.

Chòm đá hay sao chổi gây ra sự kiện 1908 Tunguska ước tính đã tiến vào bầu khí quyển ở tốc độ 53.913 km/h.  “Giống như thuốc nổ TNT phát nổ, rất nhiều năng lượng”, Boslough cho hay.

5. Tiểu hành tinh, thiên thạch và sao băng khác nhau như thế nào?

Các thuật ngữ liên quan đến các vật thể ở gần trái đất có thể rất hay bị nhầm lẫn. Tiểu hành tinh là những vật thể bằng đá ở trong vụ trụ, nhỏ hơn hành tinh. Chúng không có bầu khí quyển, nhưng có trọng lực, đôi khi là quay quanh tiểu hành tinh khác.

Sao băng là tiểu hành tinh, mảnh vỡ của sao chổi hoặc các vật thể vũ trụ khác tiến vào bầu khí quyển trái đất hoặc bị đốt cháy. Nếu bạn nhìn thấy một ngôi sao đang rơi, thì đó là sao băng.

Thiên thạch là các sao băng tiến vào bề mặt trái đất. Chúng rất khó tìm.

6. Chúng ta có thể thấy được tiểu hành tinh đang tới?

Người Nga đã không dự đoán được các vụ nổ trên bầu trời sáng ngày thứ sáu. Nhưng có cả tin tốt lẫn tin xấu về khả năng chúng ta biết được những khối đá vũ trụ nguy hiểm đến mức nào.

Tin tốt là các nhà nghiên cứu NASA đã tính toán được đường đi của ít nhất gần 90% những tiểu hành tinh gần trái đất có chiều ngang hơn 1km. Những khối đá vũ trụ nhỏ hơn khó dự đoán hơn. Các nhà thiên văn học đã quan sát chỉ khoảng 30% các tiểu hành tinh có chiều rộng 100m đến gần trái đất. Những tiểu hành tinh này có thể gây nguy hiểm lớn nếu tiến vào bầu khí quyển trái đất. Chỉ khoảng 1% những khối đá nhỏ hơn  như 2012 DA14 được biết đến.

Với độ rộng 45m, 2012 DA14 và những thiên thể tương tự lớn gấp 3 lần kích thước của khối đá đã làm vỡ cửa kính và làm hơn nghìn người bị thương ở Nga ngày hôm qua. Sao băng ở Nga tiến vào trái đất vào ban ngày, khi trời quang mây tạnh, khiến kính viễn vọng không thể quan sát được. Kính viễn vọng chỉ rà soát bầu trời đêm.

7. Liệu có thiên thạch trong vụ  Chelyabinsk?

Cho đến nay chưa rõ liệu có thiên thể nào rơi xuống đất sau vụ nổ sao băng trên bầu trời Nga. Đài tiếng nói nước Nga cho biết cho đến giữa ngày thứ sáu, không có thiên thạch nào được tìm thấy. Trong khi đó, Russia Today, đã đăng tải một bức ảnh và một đoạn video lên Twitter cho thấy một lỗ lớn ở hồ băng Chebarkul do mảnh vỡ thiên thạch gây ra.

Phan Anh
Theo LiveScience

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

8X Việt sống 4 châu lục, một ngày dùng 5 thứ tiếng

Cô gái xinh đẹp đó là Hồ Thu Hương, sinh năm 1988 tại Hà Nội, nhưng năm lên 10 tuổi đã theo gia đình sang Cộng hòa Séc sinh sống. Cuộc sống đa văn hóa, đa ngôn ngữ, của một “công dân kiểu mới” bắt đầu từ đấy.

Mỗi ngày cô sử dụng thành thạo khoảng 5 thứ tiếng khác nhau. Cô từng sống, học tập và làm việc trên cả 4 châu lục. Trong 4 năm trở lại đây, cô đặt chân đến hơn 20 quốc gia.
“Bao nhiêu ngôn ngữ mà bạn biết là bấy nhiêu lần bạn sống”
Đây là một câu tục ngữ của người Séc mà Hương rất tâm đắc: “How many language you know, that many times you are a human being”. Hai năm đầu sang Séc, vì không hiểu bài giảng nên Hương ngơ ngác trong lớp học. Nhưng khi sang trường chuyên và chỉ khi bước vào lớp 6, Hương lúc nào cũng đứng đầu lớp về môn tiếng Séc. Mẹ Hương luôn dặn rằng, “không ai khác ngoài con phải tự quyết định các hướng đi cho mình” nên lúc nào cô cũng tự lập, tự giác học ngoại ngữ, thậm chí còn đăng ký học thêm cả các kỳ thi không bắt buộc.
Ở trường trung học, Hương bắt đầu học tiếng Anh và tiếng Pháp. Lên đại học Hương học tiếng Tây Ban Nha. Cô có thể nói bằng cả 5 thứ tiếng khác nhau trong một ngày: nói chuyện với gia đình bằng tiếng Séc và tiếng Việt, làm việc, đọc báo, nghe nhạc bằng các thứ tiếng khác.
Hương chia sẻ: “Mỗi ngôn ngữ phản ánh cách ứng xử khác nhau của mỗi nên văn hóa. Mỗi khi về Việt Nam, lúc nào mình cũng được nghe “xin, vâng, thưa, dạ”. Khi sống ở Arghentina, mình thấy trong một quán ăn cô bồi bàn trẻ gọi hai vị khách lớn tuổi là “chica, chica!” (dịch là: cậu bé, cô gái). Cách xưng hô chỉ là “tôi”, “bạn” đồng nghĩa với việc mọi người đều bình đẳng và không phân ngôi thứ. Ở mỗi ngôn ngữ, mỗi văn hóa mình lại học được những điều mới mẻ để có thể nhấc cái hàng rào khác biệt xung quanh”.
 
 
Hồ Thu Hương.
Hồ Thu Hương.
 
Một lần, Hương đến Arghentina trong học kỳ giao lưu, trao đổi. Dù có nhiều lựu chọn nhưng Hương vẫn chọn đất nước này vì cô thích đến một nơi hoàn toàn xa lạ và khác biệt. Khi đó, Hương mới chỉ nói được rất ít tiếng Tây Ban Nha và vì thế, cô đăng ký khóa học của mình bằng tiếng Anh. Những tuần đầu tiên ở đó, Hương như bị lạc vào một hành tinh khác vì rất ít người Arghentina nói được tiếng Anh. Và điều đặc biệt là nhà trường đưa ra một thông báo khẩn: những môn học bằng tiếng Anh sẽ bị hủy, chỉ còn những môn học bằng tiếng Tây Ban Nha. Thay vì quay về, Hương lao vào học tiếng Tây Ban Nha dù thời gian đầu rất chật vật để nghe các bài giảng và đọc các quyển sách dày cả trăm trang. Nhưng cũng chưa lúc nào Hương có thể học tiếng Tây Ban Nha nhanh đến thế.
Nếu chúng ta lạc quan, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn
Hương thích rất nhiều môn học, thích du lịch, âm nhạc và rất nhiều thứ khác. Hương không ngừng yêu thích một điều gì đấy và đôi khi, cô ấy tự tạo ra những điều khiến mình thích thú.
Thu Hương vừa tốt nghiệp ngành thương mại quốc tế ĐH Kinh tế Praha. Từ những năm học trung học, Hương đã nhận được 23 giải thưởng trong các kì thi Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Séc, văn học…
Trong một cuộc thi văn toàn CH Séc, Thu Hương nhận được đề thi rất ngắn là: Fear in the plural (tạm dịch là: sự sợ hãi ở dạng số nhiều). Thu Hương cầm bút viết về chính những trải nghiệm của mình. Cô gái này ở trong một thành phố nhỏ, chỉ chừng 90.000 dân. Ở đó và thời ấy, người ta có định kiến không hay về người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á. Những ngày học trung học, bị kỳ thị, bị trêu, bị ném đá chỉ vì màu da khác biệt. Rồi có giai đoạn Hương rơi vào trạng thái trầm cảm, cô sợ hãi và không thể ra đường. Nhưng sự sợ hãi ấy rồi cũng đến lúc biến thành sức mạnh. Vì là học sinh nước ngoài duy nhất ở lớp nên lúc nào Hương cũng cố gắng để chứng tỏ bản thân mình. Bài văn về nỗi sợ hãi đó đã mang lại cho Hương giải đặc biệt. Nếu không lạc quan hơn, bạn sẽ bị nỗi sợ hãi “nuốt chứng” bản thân mình.
Những ngày ở Canada, Hương được gặp rất nhiều người lạc quan, dễ mến. Điều đặc biệt là mỗi khi xuống xe buýt, họ đều nói “cám ơn” với người lái xe, một điều mà Hương chưa từng thấy ở những nơi khác.
Trong 4 năm, Hương đi qua 20 quốc gia, chuyến đi nào cũng rất đặc biệt và khó lòng chọn lọc để kể lại. Hương có những chuyến đi trao đổi giữa các trường như chuyến sang Toulouse (Pháp), Arghentina hay tổ chức lễ du lịch đến Ý cho các bạn cùng trường. Hương từng là một trong 35 học sinh xuất sắc nhất tại Séc được mời sang Nghị viện châu Âu tại Strasbourg để tham quan và giao lưu với các nghị sĩ.
Trong năm 2012, Hương được sang Lisbon (Bồ Đào Nha) để tham gia một khóa học chụp ảnh. Ngay sau đó, Hương tham gia một chương trình chọ mùa hè với chủ đề “Tiêu thụ bền vững” tại thành phố Tartu, Estonia cùng với 42 bạn khác đến từ 33 quốc gia.
Chuyến đi ấn tượng nhất trong năm 2012 với Hương có lẽ là chương trình “study tour”, từ Brussels đến 6 thành phố của Canada để học về văn hóa và kinh tế của đất nước nhiều ấn tượng này. Chương trình có sự góp mặt của 32 bạn trẻ đến từ 23 quốc gia thuộc liên minh châu Âu do Ủy ban châu Âu tổ chức. Ngoài chương trình học tập, các bạn trẻ này còn tham gia 150 hội nghị.
Kết thúc chương trình, Hương được nhận về thực tập tại viện Nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương, tại Vancouver (Canada). Hiện tại, Hương còn đang tham gia một dự án nghiên cứu về người Việt sinh sống tại Praha do Bộ Phát triển khu vực và ĐH Charles phối hợp nghiên cứu.
Tận hưởng cuộc hành trình còn quan trọng hơn cảm giác đến đích
Ngoài các chương trình được mời tham dự, Hương còn chủ động thiết kế các hoạt động, các chuyến đi cho mình. Khi ở Arghentina, Hương tham gia một hoạt động tình nguyện rất thú vị: giúp những người phụ nữ nghèo mở các cửa hàng kinh doanh của riêng mình. Khi ở Vancouver, Hương tham gia vào mọi hoạt động mà thành phố này tổ chức cho người dân địa phương.
Thu Hương “thuộc lòng” Canada đến mức những người bạn của cô nói rằng cô biết về Canada còn nhiều hơn cả họ. Khi ở Argentina, cô tham gia vào các chương trình biểu diễn những vũ điệu sôi động như salsa và tango. Người Arghentina có thể nhảy mọi lúc, mọi nơi kể cả trên đường phố. Đối với họi thì khiêu vũ là cách tìm được “nửa kia” của mình một cách hiệu quả nhất. Nếu họ hợp nhau trong các vũ điệu thì rất có thể họ sẽ hòa hợp nhau trong nhiều câu chuyện khác của cuộc sống.
Ở đâu Thu Hương cũng có thể tìm được những người bạn tốt của mình. Đôi khi cô gái này tự đi du lịch và tim bạn qua các trang web couchsurfing.org. Hương sử dụng trang web này còn để tham gia các sự kiện đặc trưng của người dân bản địa. Hương nói: “Mình có rất nhiều người bạn thú vị. Ví dụ như một anh chàng người Pháp giờ này vẫn đang đi chu du khắp thế giới với mục đích là học cho bằng được 10 thứ tiếng. Ở Phần Lan, mình gặp một indigo child (là người được coi có khả năng đặc biệt và trí thông minh phi thường, trên thế giới có rất ít người như vậy). Ở Vancouver, mình gặp họa sĩ tài hoa bậc nhất người Séc cũng là một người thích đi đến thật nhiều quốc gia trên thế giới và thời gian tới anh ấy cũng có ý định đến Việt Nam. Những người bạn này đã truyền cho mình cảm hứng bất tận về cuộc sống của họ.”
“Trong cuộc sống gia đình và tình cảm, Hương thấy mình là một cô gái Việt truyền thống. Trong công việc, Hương có tính cách làm việc của một người Séc: chính xác, phương pháp, có tổ chức và hiệu quả. Về cách sống, Hương thấy mình gần gũi với người Mỹ la tinh. Người Mỹ la tinh có cách tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi ai đó nói rằng, Hương từ nước nào đến, mình vẫn luôn tự hào trả lời: “Tôi là người Việt Nam”. Sự tự hào về chính mình, về đất nước mình là nền tảng cho mọi thành công trong cuộc sống".
Hương mới chỉ ngoài 20 tuổi. Cô chuẩn bị sang Pháp để học tiếp. Cô cũng chưa quyết định rằng, sẽ đi tiếp đến những quốc gia nào trên trái đất nhưng điều cô chắc chắn là sẽ đi khi trái tim mình mách bảo. Cô khẳng định: “Tận hưởng cuộc hành trình mình đang chọn quan trọng hơn cả cảm giác khi mình đến đích. Và để cuộc sống của ngày hôm nay thật ý nghĩa, bạn hãy sống như ngày mai mình không còn tồn tại”.
Theo Sinh Viên Việt Nam

Người sáng tạo bộ phông chữ tiếng Thái trên máy tính

Bộ chữ Thái là một công cụ giao tiếp và để ghi nhận giá trị văn hóa trong cộng đồng người dân tộc Thái. Lần đầu tiên dân tộc Thái có bộ Font chữ trên máy vi tính. Đó là sản phẩm của người con gái vùng Tây Bắc - chị Lò Mai Cương.

Chị Lò Mai Cương.
Chị Lò Mai Cương.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Thạc sĩ Lò Mai Cương, hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, là người phụ nữ dân tộc Thái đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học.
Đầu năm 2005, chị nghiên cứu đề tài bộ Font chữ Thái Sơn La trên máy vi tính. Trong quá trình làm việc, chị được nhiều chuyên gia của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT hỗ trợ.
Tuy đã nỗ lực rất nhiều, song chị vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất bộ chữ Thái, vì trong chữ Thái có tới 8 phương ngữ khác nhau của nhiều địa phương. Sau đó, qua tham khảo chị đã quyết định dùng kiểu nét chữ truyền thống và đặt tên là ''Bộ Font chữ Thái Sơn La”.
Đến năm 2006 đề tài được nghiệm thu, bộ Font đã được nhóm kỹ thuật Unicode chấp nhận, đưa vào mã quốc tế (Unicode) và cấp 72 ký tự.
Bộ Font chữ tiếng Thái.
Bộ Font chữ tiếng Thái.
Nay bộ font chữ Thái của chị đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi như: Kênh truyền hình tiếng dân tộc thiểu số VTV5, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc...
Sản phẩm của Đề tài đã được nhóm cộng đồng dân tộc Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và cộng đồng người dân tộc Thái đang sống ở nước ngoài như ở Mỹ, Canađa, Pháp, Úc, Lào, Thái Lan... sử dụng để sáng tác, biên soạn, biên tập, khôi phục, lưu giữ... nền văn hoá của dân tộc Thái, biên soạn, thiết kế lịch Thái từ năm 2005 đến nay.
Sản phẩm cũng được dùng để biên soạn sách, tài liệu bằng tiếng, chữ dân tộc Thái đưa vào giảng dạy cán bộ, bộ đội, công an, giáo viên đang công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vùng có người Thái sống trên đất nước Việt Nam.
Viện Khoa học Công nghệ thông tin AIST Tsukuba Nhật Bản đã sử dụng sản phẩm trên để nghiên cứu, phát triển trên phần mềm Fedora (phần mềm mã nguồn mở); Trung tâm Tin học Huế đã thiết kế phần mềm trang web hỗ trợ chữ Thái Việt Nam, rất tiện ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hoá Thái, tra từ điển Thái - Việt hoặc tải bộ gõ, Font chữ Thái miễn phí.
Nối tiếp những thành công, chị tiếp tục nghiên cứu, biên soạn xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy tiếng, chữ Thái cho sinh viên chuẩn bị ra trường công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
Bộ Font chữ tiếng Thái.
Và giờ đây, với vai trò là lãnh đạo phòng Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn tiếng dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh Sơn La, chị lại tham mưu với Ban Giám đốc Trung tâm, với tỉnh mở được nhiều lớp sử dụng font chữ này trên máy tính đáp ứng nhu cầu thực tế.
Công việc rất bận rộn nhưng chị Mai rất vui vì được góp phần nhỏ bé của mình vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Chị tâm sự: ''Vui hơn là tôi đã có thể báo công với người cha kính yêu của mình là đã thổi được hồn vào những con chữ Thái cổ để bây giờ nó có thể sống mãi với thời gian, với cuộc sống, con người, quê hương Sơn La, với dân tộc Việt Nam''.
 
Với những cống hiến đối với sự nghiệp khoa học, công nghệ, chị Lò Mai Cương đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Bằng khen Phụ nữ sáng tạo năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 2 Bằng khen Lao động sáng tạo, đạt giải Nhì VIFOTEC - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009.
 
Phạm Phượng

Yếu tố con người sẽ quyết định đến việc đổi mới giáo dục

Nhân dịp năm mới Quý Tỵ, báo Dân trí có cuộc trao đổi với Giáo sư Tiến sỹ Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về công việc đã triển khai trong năm 2012 và dự kiến những bước đi trong năm 2013 của ngành.

Trước hết xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian để cùng trao đổi với báo Dân trí xung quanh một số vấn đề giáo dục mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Thưa Bộ trưởng, vào những ngày cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có những động thái rất quyết liệt để chấn chỉnh công tác đào tạo. Qua đó, cũng có ý kiến cho rằng Bộ trưởng đã có những thay đổi trong công tác quản lý so với thời gian đầu?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi vẫn như xưa, không có gì thay đổi: Với những việc không thuộc về nguyên tắc, không phải là bản chất cốt lõi và có thể nhân nhượng, bỏ qua được thì tôi cho qua ngay một cách nhẹ nhàng. Còn những gì thuộc về nguyên tắc và bản chất của vấn đề thì tất cả mọi người, trong đó có tôi, phải thực hiện nghiêm túc, không thể tùy tiện hay xuê xoa được.
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Tôi đồng ý với nhận xét cho rằng những quyết định của Bộ thời gian gần đây mạnh mẽ hơn. Đó là kết quả của việc học tập, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, là kết tinh trí tuệ của tập thể chuyên gia và cán bộ quản lý trong ngành và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm rất sâu sắc và nghiêm túc về trách nhiệm của tập thể và cá nhân Ban Cán sự Đảng Bộ cũng như trách nhiệm của các vụ, cục. Trên cơ sở thống nhất về tư tưởng, với sự quyết tâm cao, chúng tôi phải hành động. Cần nói thêm là những quyết định mới ban hành trong mấy tháng qua cũng nằm trong chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị TW 6 của Đảng về giáo dục đào tạo.
Mặc dù ngành giáo dục vẫn còn khuyết điểm nhưng năm 2012 chúng ta đã thấy có những sự thay đổi tích cực. Điều quan trọng là những chuyển biến này tạo một niềm tin nhất định đối với dư luận xã hội. Trong năm 2012, Bộ trưởng cảm thấy mình tâm đắc nhất điều gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tôi tâm đắc nhất là những người làm giáo dục cảm nhận rất rõ rệt về sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái mạnh, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngành, nhiều địa phương phải cắt giảm ngân sách. Nhưng ngành giáo dục vẫn được quan tâm ưu tiên và hầu như không bị cắt giảm. Càng trong khó khăn, càng ở vùng sâu vùng xa, sự quan tâm và ưu tiên cho giáo dục càng rõ rệt. Đây là một trong những nhân tố quyết định giữ vững được các thành quả nền giáo dục của chúng ta.
Điều tâm đắc thứ hai của tôi là thành tựu của giáo dục đỉnh cao. Như các bạn đã biết, năm nay chúng ta có 31 lượt học sinh dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, thì tất cả đều đoạt giải. Điều đặc biệt là lần đầu tiên có em học ở trường THPT vùng cao giành được Huy chương vàng môn Vật lý. Tôi muốn nói mấy ý nằm phía sau kết quả này.
Trước hết, đó là kết quả cố gắng của thầy và trò các nhà trường. Đồng thời, thành công này cũng liên quan đến việc thay đổi chủ trương của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi đã thay đổi nội dung, hình thức, phương thức thi học sinh giỏi quốc gia theo chuẩn quốc tế, tách bạch công tác quản lý nhà nước với công tác chuyên môn, giao các hội khoa học (như Hội Toán học, Hội Vật lý…) và các nhà giáo giỏi có uy tín tổ chức việc ra đề thi, tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển quốc gia.
Không chỉ thành công trong các kì thi Olympic quốc tế truyền thống, chúng ta còn đạt được kết quả cao ở một sân chơi mới là cuộc thi học sinh thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Intel ISEF). Sự kiện 3 học sinh THPT Việt Nam đạt giải Nhất tại cuộc thi này khẳng định sự chỉ đạo đúng hướng của Bộ trong việc thiết lập mối liên hệ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học và công tác nghiên cứu khoa học.
Điểm tâm đắc thứ ba là sự thay đổi trong công tác quản lý, rõ nhất là đối với quản lý giáo dục đại học. Trong năm 2012, chúng tôi đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng nhằm phát huy tối đa năng lực, tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường. Đồng thời, công tác thanh tra kiểm tra của Bộ và chính quyền địa phương đối với việc chấp hành pháp luật trong giáo dục đào tạo cũng mạnh mẽ, chặt chẽ va đồng bộ hơn, xử lý cũng nghiêm hơn.
Song hành với những thành công, chắc hẳn cũng có những điều mà Bộ trưởng cảm thấy trăn trở. Vậy những điều đó là gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trăn trở của tôi thì nhiều. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của tôi là những yếu kém, bất cập và tiêu cực của giáo dục vẫn còn. Những chuyển biến của ngành nhất là về chất lượng đã có nhưng chưa đồng đều và chưa mạnh mẽ. Lòng tự trọng, tự hào của một bộ phận thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được phát huy.
Chúng ta đang bàn đến đổi mới giáo dục sau năm 2015. Tuy nhiên việc đổi mới được hay không thì yếu tố con người vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua mặc dù đã có những chính sách tích cực của ngành nhưng dường như vấn đề lương của giáo viên vẫn chưa có lời giải?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi đồng ý với quan điểm con người là yếu tố quyết định. Đối với giáo dục thì yếu tố này là đặc biệt quan trọng. Để nâng cao chất lượng nhà giáo cần thì cần phải làm nhiều việc, trong đó có cả công tác bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm, đảm bảo đời sống vật chất và những tôn vinh giá trị tinh thần đối với họ. Muốn làm được việc này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và hiệu trưởng, tiếp tục duy trì những cuộc vận động nhằm kêu gọi các nhà giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chỉ đạo hai trường ĐH sư phạm trọng điểm rà soát chương trình đào tạo để sản phẩm của các trường sư phạm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Về chế độ tiền lương cho nhà giáo, Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề này sẽ được xem xét, xử lý trong tổng hòa các mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác. Hy vọng tới đây việc cải cách chế độ tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài và căn bản .
Sau nhiều nỗ lực của Bộ GD-ĐT, Chính phủ đã đồng ý cho nhà giáo được tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng, việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp này là bất cập. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ngay sau khi chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được ban hành, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến của nhiều tập thể và cá nhân về việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp thâm niên, trong khi phần lớn các đồng chí cán bộ quản lý giáo dục đều là giáo viên xuất sắc, có cống hiến lâu năm được bổ nhiệm và điều động lên.
Trên thực tế, vấn đề này đã được thảo luận, bàn bạc trong Chính phủ nhưng chưa giải quyết được vì vướng các quy định của luật công chức. Sau khi cân nhắc kỹ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng giáo dục và đào tạo. Hy vọng rằng đề án cải cách tiền lương sắp tới sẽ khắc phục được bất cập này.
Hiện nay, còn một bất cập khác mà Bộ GD-ĐT đang nỗ lực làm việc với các bộ, ban ngành để giải quyết là vấn đề phụ cấp thu hút đối với giáo viên làm việc tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong 5 năm với tính toán rằng, sau 5 năm các thầy cô sẽ được luân chuyển về tuyến sau. Nhưng trên thực tế, rất nhiều giáo viên sau 5 năm không thể luân chuyển về vùng thuận lợi mà vẫn tiếp tục công tác ở vùng khó khăn, nhưng không được hưởng phụ cấp thu hút. Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục có phụ cấp cho các nhà giáo này để tôn vinh họ, đồng thời khắc phục bất hợp lý khi nhà giáo có thâm niên làm việc lâu năm ở vùng sâu vùng xa lại có thu nhập thấp hơn nhà giáo vừa ra trường lên công tác ở cùng trường.
Xin cảm ơn Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng sang năm mới sức khỏe và tiếp tục thành công với vai trò là người lái con đò giáo dục cả nước.
Nguyễn Hùng (thực hiện)

Mừng tuổi trẻ em và việc hình thành thói quen, nhân cách

Lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền…
 >>  Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình

Lì xì dịp Tết là phong tục đẹp của người Việt Nam, dân gian có câu “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mừng” hàm ý những tờ tiền lì xì màu xanh, màu đỏ còn mới luôn đem lại niềm vui cho trẻ. Nhân đọc bài “Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình” trên Dân trí vừa qua, tôi cảm thấy rất tâm đắc vì dạy con biết sử dụng tiền lì xì là cả một vấn đề lớn với nhiều bậc cha mẹ.
 
Mừng tuổi trẻ em và việc hình thành thói quen, nhân cách
Người lớn không nên lì xì cho trẻ nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền.
Ngày Xuân, nói chyện xưa
Hơn 20 năm trước, khi kinh tế mới qua thời bao cấp, cuộc sống bắt đầu thay đổi theo hướng khá dần lên, chúng tôi đã làm quen với món tiền mừng tuổi năm mới. Lúc đầu, hình như đã được mẹ “huấn luyện”, có ai lì xì bao nhiêu, anh em tôi đều ngoan ngoãn chạy vào trao lại cho mẹ hết, không cần biết được lì xì bao nhiêu.
Khoảng 9 - 10 tuổi, khi tôi bắt đầu bị quyến rũ bởi những món đồ chơi hiện đại trong các tiệm đồ chơi gần trường, thật không thể tả được cảm giác sung sướng khi mân mê khẩu súng nước mới toanh, xịt xa thật xa, hơn hẳn mấy khẩu súng nước bằng nhựa trong mỏng dánh, bóp mỏi tay mà yếu xìu. Rồi… những khẩu súng bắn pháo tóe lửa, nổ pằng pằng rất hấp dẫn trong đêm tối khi chơi trò công an đi bắt cướp... Nhà nghèo, mấy món đồ chơi đó là ngoài tầm với, tôi chỉ biết nhìn ngẩn ngơ… thèm muốn mỗi lần đi qua mấy tiệm đồ chơi.
Thời đó, hầu như chúng tôi không biết tiền. Quà sáng mẹ đã lo sẵn, khi xôi, khi bánh, lúc là cơm nguội chiên. Sách vở, ba mẹ cũng lâu lâu mua sách truyện, còn quần áo mới thường được vào dịp Tết. Nhu cầu của tôi chấm hết ngang đó, không quà vặt, không đồ chơi, không phim ảnh…
Tết năm lên 10, tôi quyết tâm kiếm tiền lì xì để mua đồ chơi cho sướng. Do vậy nếu các mùng 1 Tết trước xong, anh em tôi ít khi ở nhà vì bận chạy đi nghịch pháo, coi lô tô, đi đu quay ở hội chợ… chẳng để ý chuyện nhà thì năm ấy, mặc anh em rủ rê, tôi hy sinh hết chuyện vui chơi đó mà kiên nhẫn ở nhà, ngoan như một con cún, ai đến cũng tươi cười chào, châm trà, rót nước, mời bánh mứt. Và dĩ nhiên, người lớn lịch sự luôn thể hiện lời khen năm mới cùng với lì xì cho những em bé ngoan như thế. Mỗi lần khách lì xì, tôi biến ngay vào phòng, mân mê từng tờ tiền mới, cất kỹ dưới tủ quần áo, suốt ngày cộng cộng, trừ trừ để “tổng kết” mỗi ngày mình được bao nhiêu tiền. Sau ba ngày tết, tổng cộng tôi được hơn 100 ngàn thì phải, cao hơn hẳn các anh em khác và vào thời điểm đó, là một kỷ lục chưa từng có!
Mùng 4 Tết, cúng ông bà xong, mẹ bảo anh em trong nhà giao nộp tiền lì xì lại. Tôi nghe tin mà sửng sốt. Tại sao, tại sao? Tôi cãi, tôi khóc, tôi dậm chân và chọn đến “tuyệt chiêu” cuối cùng, trốn vào nhà vệ sinh, ngồi khóc một mình. Hình như tôi ngồi cũng phải hơn một giờ đồng hồ, tự hỏi tại sao lại thế, tại sao công sức mình ngồi “canh” khách để được tiền lì xì mà sao phải đưa lại cho mẹ. Nhưng biết sức mình không thể làm gì hơn, phần vì đói bụng vì đã đến giờ cơm, mà cơm Tết thì luôn thơm ngon hấp dẫn với trẻ em,… dù có buồn bã, tôi đã đưa xấp tiền lìu xì của mình cho mẹ, mặt vẫn cúi gằm không nhìn mẹ, để đi lấy đồ ăn.
Đêm đó, lúc đi ngủ, nằm bên cạnh, mẹ đã cắt nghĩa cho tôi nghe: “Khách của ba mẹ có lì xì cho con 10 đồng thì ba mẹ cũng lì xì ngược lại cho con họ 10 đồng, đâu có khác được. Ba mẹ cũng ráng để lo cho các con ăn học đàng hoàng, chưa phải vất vả làm lụng thêm như nhiều bạn, sao con không hiểu mà lại còn giận mẹ? Con có thiếu gì mà phải cần số tiền này?”. Tôi nín thinh, không dám trả lời về những “nhu cầu” của mình, trong lòng bắt đầu thấy xấu hổ vì nghĩ lại, niềm vui của mình phải trả bằng vất vả của cha mẹ thì cũng vô lý quá. Bằng những câu chuyện đó, với ý thức trách nhiệm của đứa con trai đang lớn, tôi đoạn tuyệt với mấy món đồ chơi từ dạo đó.
Chuyện Tết nay, dạy con quản lý tiền lì xì
25 năm sau, khi đã có gia đình và con nhỏ, và cuộc sống đi vào ổn định, đọc Dân trí, tìm hiểu berich.vn, tôi thấy có nhiều điều thú vị về ý nghĩa của việc quản lý tài chính cá nhân mà với trẻ em là quản lý tiền lì xì Tết. Nay, không còn quá khó khăn, tôi không có nhu cầu “gom” tiền lì xì của các con để bù ngân sách của mình, nhưng tôi vẫn cần dạy cho con những bài học căn bản từ chuyện tiền lì xì,… tôi nghĩ điều này rất quan trọng để hình thành nhân sinh quan của các cháu sau này.
Trước hết, lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền. Hãy trân trọng tình cảm vì giá trị từ sự quan tâm chứ không phải là số tiền nhận được. Đã có nhiều người, đặc biệt chuyện nhân dịp Tết để “trả ơn đáp nghĩa” với sếp, số tiền lì xì có khi lên đến bạc triệu cho trẻ. Lại có người “đánh giá tính cảm” qua số tiền lì xì con mình nhận được… với các gia đình ấy việc trẻ em dè bỉu, thái độ thiếu tôn trọng với người lì xì ít chắc là lẽ thường và đương nhiên tương lai sẽ trở thành kẻ khinh miệt người ít tiền... Đây là điều rất tai hại ảnh hưởng đến nhân cách và sự thành đạt của các cháu sau này. Theo tôi, chỉ nên lì xì cho các em trong khoảng dưới 100 ngàn đồng và là tiền mới là phù hợp nhất, miễn là tiền mới và bỏ trong bao lì xì cho đúng kiểu và kín đáo vì ông bà ta vẫn dạy “Của cho không bằng Cách cho”.
Thứ hai, khi nhận tiền mừng tuổi, cần dạy cho con trẻ không chỉ nói lời cảm ơn, chúc tết mà hơn thế là lòng biết ơn những người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, nên nhận tiền mừng tuổi thì cần ghi nhớ để sau này trả ơn. Tốt nhất là nên ghi lại tên tuổi, quan hệ và số tiền từng người lì xì cho mình, để sau này mình nhớ và tìm cơ hội đền đáp. “Hãy tưởng tượng 20 năm sau, khi con trưởng thành và lì xì lại con của các cô, chú, sẽ rất vui nếu kể lại câu chuyện con biết ngày xưa con được lì xì như thế nào”.
Thứ ba, tiền lì xì cũng là tiền từ lao động vất vả của các cô, chú, bác, ông bà mà có, nên cần biết trân trọng. Trân trọng con người và văn hóa chứ không vì số tiền bao nhiêu. Dạy các con khi cần chi tiêu thì phải hết sức cân nhắc, cân đối khoản thu và chi, không chỉ để dành để đủ dùng mà quan trọng hơn còn để xứng đáng công sức của người làm ra nó chứ không vì thế mà sinh ra tự mãn, hoang phí, không biết giá trị lao động để có đồng tiền.
Tôi sẽ tiếp tục việc đưa con đi chùa đầu năm, làm từ thiện như sự chia sẻ và luyện tập tình thương yêu với người xa lạ, khó khăn, không phải chỉ để tích đức, gieo duyên, mà còn là có niềm vui của người được cho thay vì mua sắm các món đồ chơi vô bổ, lãng phí chỉ ít ngày là chán.
Tôi sẽ dạy các con dùng phần mềm của mấy em sinh viên làm ra trong bài viết “Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình”, để ghi nhận đầy đủ: số thu nhận, nguồn thu, ngày thu,… để các con biết nguồn gốc và biết nhớ ơn. Tương tự, khi chi tiêu, các con cũng cần ghi đầy đủ là chi những khoản gì, bao nhiêu, lý do, và ngày chi…. Tôi sẽ cho các con thi đua xem ai ghi đúng, đầy đủ nhất và có một phần thưởng để khuyến khích. Tôi tin rằng, tập dần thói quen ghi chép thu và chi cụ thể chi tiết từ nhỏ sẽ giúp ích rất nhiều để các cháu có một thái độ đúng đối với nhu cầu và việc quản lý tiền bạc.
Tâm Quả
(Phố núi Pleiku)

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Nhớ bánh chưng 'gạo vét' tuổi thơ

Tôi luôn chú trọng đến nồi bánh chưng luộc trong đêm 30 Tết, vì mẹ đã cẩn thận gói riêng cho tôi những chiếc bánh nhỏ xíu, khi chương trình gói bánh đã kết thúc. Chỉ tiếc rằng mẹ không còn nữa, mỗi khi xuân về nhớ mẹ không biết gửi nỗi nhớ vào đâu... (Ngô Trí Đức, Brno, Czech)

Nhớ món bánh chưng gạo vét mẹ dành cho con. Ảnh minh họa: Google
Viết tặng đơn vị U96 Tiệp khắc, kỷ niệm 3/3/1983 - 3/3/2013.
Việt Nam - khi thời tiết se lạnh, gió bấc nhẹ thổi, mưa phùn lất phất, mầm non đâm chồi là báo hiệu cho mùa xuân đã về. Đúng như vậy ở quê tôi Kinh bắc mỗi khi xuân về cảnh sắc cũng như tâm trạng con người nhộn nhịp khác hẳn ngày thường và hình như tấm lòng con người cũng cởi mở hơn.
Tôi ngồi cạnh mẹ có cảm giác khi gói chiếc bánh đó mẹ lại khóc… vì thấy mẹ liên tục lấy khăn lau mặt.
Quả thật những chiếc bánh chưng mẹ gói bằng "gạo vét" năm nào là loại gạo tồn, thừa trong chương trình gói bánh. "Vét" có nghĩa là vét những gì còn thừa. Bánh có thể thiếu đỗ, thiếu thịt, thiếu lá… nói chung là chiếc bánh đó không hòan hảo về mặt kỹ thuật cùng với nguyên liệu tham gia. Vét cũng có nghĩa mẹ đã vét cả tình thương dành cho con.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn
Mẹ gói rất chặt, buộc lạt thật nhiều đến nỗi ai nhìn cũng nhận ra bánh đó chỉ dành cho tôi (vì tôi là người bé nhất nhà). Sáng ngày mồng một sau khi cúng tổ tiên tôi được thưởng thức chiếc bánh đó, khi ăn tôi có cảm giác như là phần quà qúy giá mẹ dành riêng cho tôi trong ngày đầu xuân.
Ngày đó cách đây đã 30 năm rồi mẹ ạ. Con được đi du học và học xong con ở lại luôn Tiệp khắc nơi mình học. Ngày hôm nay con đã trưởng thành, có gia đình, có kinh tế có việc làm như khi còn sống mẹ hằng mong muốn. Chỉ tiếc rằng mẹ không còn nữa, mỗi khi xuân về nhớ mẹ không biết gửi nỗi nhớ vào đâu?
Nơi đất khách quê nguời, đêm giao thừa con thắp nén nhang cúng tổ tiên và mong mẹ ở nơi chín suối phù hộ cho con được an lành trong cuộc sống. Nhờ hương thơm của nén nhang con cũng muốn gửi đến mẹ, mùi thơm của chiếc bánh chưng gạo vét năm nào. Con luôn nhớ mẹ…
Ngô Trí Đức

Thể thao trực tuyến

Thống kê truy cập

Flag Counter